Có khi nào bạn cảm thấy những đồ vật trong nhà tích tụ nhiều đến nỗi bạn không còn đủ chỗ chứa hoặc trưng bày chúng? Có khi nào bạn cảm thấy bực bội trước những vật dụng linh tinh bừa bãi trong nhà?
"Chúng ta đánh giá quá thấp tác động của sự bừa bãi lên chứng căng thẳng"
Đây là kết luận của một chuyên gia tư vấn về cách thức tổ chức.
Dĩ nhiên, vật dụng linh tinh bừa bãi không phải là nguồn gốc duy nhất gây ra căng thẳng. Những tác nhân khác có thể kể đến như chuông điện thoại thường xuyên, truyền hình âm thanh lớn, việc gặp khó khăn, nội trợ, nuôi dạy con cái ... cũng góp phần không nhỏ.....
Nhà tâm lý Carl Pickhard phát biểu:
"Những thay đổi, những mâu thuẩn và những nổ lực nhằm đáp ứng đòi hỏi trong cuộc sống là các nguyên nhân chắc chắn dẫn đến căng thẳng.
Có thể nào hạn chế nguyên nhân này? Những phương pháp ứng dụng sau đây được nhiều bác sĩ và các nhà tâm lý khuyên thực hiện:
Lịch làm việc. Các chuyên gia đều đồng ý rằng, sắp xếp và ngăn nắp các vật dụng linh tinh sao cho có thứ tự sẽ góp phần giảm căng thẳng.
Thế tại sao nhiều người trong số chúng ta vẫn không theo lời khuyên ấy? Có thể vì bạn ngại đầu tư thời gian, công sức hoặc đánh giá thấp những lợi ích của một cuộc sống nề nếp đem lại.
Don Aslett, một nhà tâm lý, khuyên mỗi gia đình nên tạo một lịch làm việc chung trong đó ghi lại những chi tiết cần thiết, những việc làm, thời gian thực hiện như lau nhà, sửa xe, mua sắm, sinh nhật, thư mời, các cuộc hẹn...v..v.. như thế, bạn sẽ sắp xếp công việc và thời gian một cách cụ thể, ngăn nắp và hiệu quả.
"Đóng gói": Mỗi thành viên trong gia đình nên có riêng cho mình một thùng lớn trong đó chứa những vật dụng linh tinh cá nhân đang sử dụng. Nếu cần thiết, sẽ ra một quy định "phạt" những ai ném bừa bãi những vật dụng cá nhân trong nhà.
Hơn nữa, sắp xếp đồ vật gần nhau theo một nhóm liên quan như dây cầu chì và đèn pin ... sẽ tránh những bực bội khi tốn công tìm kiếm.
Giấy tờ: Một người làm việc bình thường phải xem xét khoảng 300 loại giấy tờ mỗi ngày như hóa đơn, thư, báo, tạp chí ....Điều này gây không ít phiền toái vì nhiều khi giấy tờ cứ càng ngày càng chất đống.
Một giám đốc công ty kể lại kinh nghiệm đối phó với vấn đề này của mình như sau:
Luôn có sẵn giỏ đựng rác dưới chân bàn làm việc: Vất ngay những thư từ hoặc giấy tờ không phải trả lời và không cần thiết lưu trữ hoặc phải giữ lại địa chỉ nếu thấy cần. Tuyệt đối không bao giờ để thư từ, công văn chất đống trên bàn hoặc trong ngăn tủ.
Chia sẻ công việc: Căng thẳng cũng có thể xảy ra trong gia đình vì một người cảm thấy anh ta (cô ) ta "thầu" hết tất cả công việc nhà. Do đó, bạn cần tìm cách thức hiệu quả và sắp xếp, chia sẻ công việc.
Trước hết nên tập trung vào những công việc cần ưu tiên làm trước, những việc phải hoàn thành trước thời hạn, những việc không thể không làm và sau đó phân công cho các thành viên khác trong gia đình cùng chia sẻ.
Nên tạo một ý thức trách nhiệm khi làm các việc vặt trong nhà. Đừng gây cảm giác hoặc sử dụng nó như là một hình phạt, ví dụ:
"Phải ngoan lên, nếu không, con sẽ phải lau nhà tối nay".
Liệu có thật sự cần thiết không?
Thông thường con người có thói quen giữ lấy bất cứ thứ gì có thể giữ được và vì thế vật dụng linh tinh trong nhà cứ mỗi ngày một chồng đống.
Đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy không thể chịu đựng nổi, vì đồ vật ngày một nhiều trong nhà bạn.
Dĩ nhiên, cách tốt nhất ngăn chặn rắc rối này là không đem thêm bất cứ vật dụng gì vào nhà nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một phương pháp khác hợp lý hơn:
Đó là nguyên tắc "một vào/một ra".
Theo đó, nếu muốn đưa bất cứ vật mới nào vào nhà, ngay lập tức phải thải ra một vật cũ đã có.
Luôn đặt ra hai câu hỏi này trước khi quyết định giữ vật gì trong nhà:
Cái này giúp ích gì cho mình hiện nay?
Liệu mình có thật sự cần không?
Sau đó, hãy trả lời và quyết định.
Hãy để những rắc rối trong công việc ở lại văn phòng. Nếu không cẩn thận, có thể bạn sẽ đưa cả những bực dọc, mâu thuẫn trong công việc về nhà và điều này chỉ làm tăng nguy cơ bị căng thẳng.
Muốn tránh nó, bạn cần tạo ra một khoảng "chuyển tiếp" và cố tách biệt công việc với sự thư giãn cá nhân cần có của mình.
Barbara Mackoff, một nhà tâm lý, khuyên tập "để dành" công việc dễ dàng nhất trong ngày để giải quyết sau cùng. Trước khi rời bàn làm việc, nên đọc một mẫu chuyện vui hoặc nghe một đoạn nhạc.
Những bí quyết này tuy nhỏ nhưng góp phần không ít giúp ngăn chặn căng thẳng do công việc ảnh hưởng đến thời giờ riêng tư của bạn.
(Tuần Báo Mới)